Ngành cơ khí tìm hướng đi mới

  07-01-2021

Ngày 26/12/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 186/QĐ-TTg (Quyết định 186) phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Theo đó, mục tiêu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước, xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng.

Những kết quả đáng ghi nhận

Theo báo cáo của Bộ  Công Thương, kể từ khi Quyết định 186 được ban hành đến nay, ngành cơ khí đã đạt được một số thành tựu quan trọng.

Về công nghiệp đóng tàu, Việt Nam đã có thể đóng được các loại tàu có chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế như tàu chở hàng tải trọng từ 6.500 - 53.000 tấn; các loại tàu cao tốc phục vụ cho an ninh quốc phòng; các loại tàu container; tàu chở dầu thô cỡ 104.000 DWT; tàu chở ô tô 4.900 xe.

Về thiết bị  toàn bộ, ngành cơ khí cũng đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam đã trở thành Tổng thầu EPC đầu tiên của Việt Nam khi trúng thầu các gói thầu số 2 và số 3 của nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tiếp đến chế tạo phần lớn các thiết bị chính của nhà máy Nhiệt điện Na Dương, nhà máy Nhiệt Điện Phú Mỹ 3,4…

Ngành công nghiệp  ô tô cũng đã sản xuất, lắp ráp được các loại xe buýt đến 80 chỗ với tỷ lệ nội địa hoá đến 40%, chế tạo ô tô tải nặng và xe chuyên dụng…

Ngành công nghiệp xe máy  đã có phát triển đột phá khi thoả mãn nhu cầu trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 80-90 % và xuất khẩu khoảng 150.000 xe/năm.

Đối với các nhà máy thủy điện có công suất đến 300 MW, trước đây Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các thiết bị cơ khí thủy công thì nay toàn bộ phần này các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã có thể đảm nhận, thậm chí đối với cả nhà máy thủy điện lớn như Sơn La có công suất đến 2.400 MW.

Các ngành sản xuất cơ  khí khác như sản xuất động cơ diesel các loại, sản xuất xe đạp, máy bơm nước, cầu trụ, cần trục các loại cũng đạt thành công đáng kể, đáp ứng 40% nhu cầu thị trường trong nước. Đã có động cơ diesel cỡ nhỏ xuất khẩu sang các nước Trung Đông, ASEAN…

Riêng ngành xe đạp đã đạt năng lực sản xuất 3 triệu xe/năm và phục vụ xuất khẩu với kim ngạch hàng trăm triệu USD/năm.

Đặc biệt, lần đầu tiên năm 2010 ngành cơ khí đã chế tạo và hạ thủy dàn khoan tự nâng có độ sâu 90m nước, thay thế hoàn toàn cho việc nhập khẩu, đây cũng là sản phẩm cơ khí ứng dụng công nghệ cao lần đầu tiên được tổ chức sản xuất tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hoá 35%.

Doanh nghiệp cơ khí khó khăn trong đấu thầu

Mặc dù đã làm chủ  được công nghệ của một số sản phẩm nhưng theo nhìn nhận của các chuyên gia, mục tiêu mà Quyết định 186 đặt ra chưa đạt được, tính đến năm 2010 ngành cơ khí mới đáp ứng được khoảng 25-28% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước thay vì 45-50 % và giá trị xuất khẩu cũng mới dừng mức trên 20% .

Nhập khẩu cơ khí, trong đó nhập khẩu thiết bị máy móc để phục vụ sản xuất vẫn tăng và chiếm tỷ lệ cao, nếu như năm 2006 giá trị nhập khẩu cơ khí là 8,7 tỷ USD thì năm 2010 là 19,12 tỷ USD.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương), nhìn nhận một trong những lý do khiến cho ngành cơ khí không đạt mục tiêu đề ra đó là quy định của Luật Đấu thầu chưa chặt chẽ, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, bởi trong đấu thầu không tính tới nguồn gốc xuất xứ, không tính tới tỷ lệ nội địa hoá của thiết bị...

Cùng với qua điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ nêu thực tế nhiều công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước nhưng vẫn sử dụng các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngoài ra, việc thiếu giải pháp khả thi và hiệu quả gắn kết với các ngành công nghiệp khác dẫn đến việc ngành cơ khí đi chậm hơn.

Cần chính sách cụ thể về vốn và thị trường

Để tạo đà cho ngành cơ khí tiếp tục phát triển, đa số ý kiến của các doanh nghiệp đều cho rằng cần tạo điều kiện về vốn, thị trường.

Giám  đốc Công ty Cổ phần Chế tạo thiết bị Đông Anh Trần Văn Quang cho rằng cần có những giải pháp mạnh hỗ trợ ngành cơ khí trong nước thông qua cơ chế tạo đơn hàng, chỉ định thầu hoặc chỉ đấu thầu trong nước các phần việc mà cơ khí trong nước thực hiện được.

Giám đốc Công ty Trường Hải Trần Bá Dương thì đề xuất xây dựng một thị trường phù hợp trong từng giai đoạn cho ngành cơ khí và có chính sách vốn cụ thể đối với từng lĩnh vực trong từng giai đoạn.

Ngoài ra ,một số ý kiến của các thành viên VAMI đề nghị nên coi phát triển cơ khí như phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, theo đó các ngành cần tiếp tục rà soát bố trí lại các lĩnh vực cơ khí theo nhóm, trên cơ sở đó bổ sung các chính sách ưu đãi và đặc biệt ưu đãi để phát triển một số lĩnh vực then chốt.

Bài viết liên quan

 Copyrights Thiet Ke Website by ungdungviet.vn

0936499975
02436408359